Chuyển đến nội dung chính

NÓI CHUYỆN CÔNG VIỆC MÙA COVID


Đại dịch Covid là nỗi ám ảnh khủng khiếp của toàn nhân loại vì những tác động khủng khiếp của nó trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế. Trong nhà ngoài ngõ, câu chuyện việc làm mùa Covid luôn là mối quan tâm hàng đầu của người dân.

Du lịch ế ẩm

Cuối tháng 11/2020, cô Ánh, một chủ tàu tư nhân tại khu du lịch vịnh Hạ Long, rầu rĩ cho hay: “Mấy tháng nay ngày nào chúng tôi cũng oằn mình chống lỗ, khách thì không có ai nhưng chi phí trả lương cho thuyền trưởng, nhân viên và bảo trì tàu vẫn vậy. Tôi đã cho nghỉ việc bớt và làm việc cầm chừng, nhưng vẫn không ăn thua. Chỉ biết cố gắng cầm cự mong dịch bệnh mau chấm dứt”.

Có thể thấy ảnh hưởng đầu tiên và mạnh mẽ nhất là ngành du lịch, khách sạn. Nếu có dịp ghé ngang vịnh Hạ Long trong khoảng một năm trở lại đây, chúng ta sẽ bắt gặp khung cảnh trống vắng, quạnh quẽ của địa điểm du lịch bậc nhất của cả nước. Lác đác bóng người thưa thớt, nhân viên ngồi không, vừa bấm điện thoại vừa trò chuyện, hàng loạt du thuyền lớn nhỏ xếp hàng neo đậu hàng tháng trời, khác hẳn khung cảnh đông đúc, nhộn nhịp thường thấy.



Khu vui chơi vắng khách

Nói tiếp ngành du lịch, khách sạn, các ngành dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Vào một ngày cuối năm 2020, Ông Bình, chủ một khu vui chơi thiếu nhi cũng than thở: “Dịch thế này mấy người bán đồ ăn mang về còn ráng cầm hơi được, chứ quy định cấm tụ tập trên 20 người thì mấy người kinh doanh khu vui chơi nhỏ lẻ như tôi “chết” không kịp trăn trối”.

Toàn bộ nhân viên đã được cho nghỉ, tự ông Bình phải đứng ra vận hành, máy móc trò chơi cho lác đác vài ba em nhỏ, dù phần lớn thời gian vẫn là trùm “mền”, phủ bụi toàn bộ khu trò chơi. Ông Bình đã đứng ra rao bán giá rẻ đạo cụ khu trò chơi. Nhưng giữa tình hình dịch bệnh kéo dài như thế này, chẳng ai dám nhảy ra mua lại cả, vì đây ràng là kinh doanh không có lời, cầm chắc lỗ vốn.



Thất nghiệp tràn lan

Trong những ngày cận Tết Nguyên Đán Tân Sửu, Chị My, toán trưởng một toán công nhân của một xí nghiệp may có tiếng, cho biết: “Mới hồi đầu tuần xí nghiệp báo thôi việc đột xuất mấy chị em công nhân làm việc lâu năm. Bây giờ ai cũng trong tâm trạng lo lắng không biết khi nào xí nghiệp thông báo giải thể. Giờ mất việc chắc tôi chỉ có nước về quê làm nông chứ không mong kiếm được công việc khác dù tôi cũng là lao dộng có kinh nghiệm”.

Năm 2020 cũng là năm chứng kiến tỷ lệ người lao động thất nghiệp nhiều nhất. Từ lao động có tay nghề, chuyên môn cao đến những người thợ phổ thông, tất cả đều sống trong tình trạng lo lắng, làm hôm nay nhưng không biết ngày mai như thế nào.



Cơ hội mới

Chị Dung, 25 tuổi – chia sẻ trong ngày lễ mùng 3 Tết – Thánh hóa công ăn việc làm: “Trước đây tôi làm ở một tập đoàn lớn nhất nhì của Việt Nam. Công việc ổn định, lương thưởng hấp dẫn khiến tôi “nhụt chí”, mong cầu sự ổn định mà trù trừ không thích trải nghiệm những cái mới. Chỉ đến khi chi nhánh của tôi bị đóng cửa, tôi mới cảm thấy bản thân có động lực “đứng lên” lần nữa để thử sức ở những lĩnh vực mới. Từ đó tôi nhận ra mình còn rất nhiều thứ phải học. May mắn là tôi nhận ra khi vẫn còn trẻ nên vẫn còn cơ hội để cố gắng và thăng tiến bản thân”.

Mùa dịch thật sự là cơn ác mộng với các bạn sinh viên mới ra trường. Lao động có chuyên môn, kinh nghiệm lão làng còn dễ dàng thất nghiệp chỉ sau một đêm thì các bạn càng khó khăn để kiếm được việc làm hơn nữa. Mà cho dẫu có việc thì cũng bị ép lương, ép tăng ca nhiều hơn. Nhiều bạn chán nản, thất vọng về bản thân và cảm thấy mất tự tin. Tuy vậy, đối với nhiều người, dịch bệnh là một cơ hội để họ thử thách bản thân mình ở những lĩnh vực mới.



Sáng tạo mùa dịch

Cũng như chị Dung, nhiều bạn trẻ cũng tranh thủ nắm bắt cơ hội này để “khởi nghiệp” nho nhỏ, nhất là trong lĩnh vực y tế. Bạn Thư, vốn là một sinh viên ngành Hoá của trường Đại học Khoa học và Tự nhiên TP.HCM, kể lể: “Đợt dịch này em tranh thủ cùng với mấy người bạn thân điều chế nước rửa tay theo đúng chuẩn công thức để bán giá rẻ. Tụi em cảm thấy cũng vui vui khi vừa có thể kiếm tiền trong mùa dịch, gia đình gặp nhiều khó khăn nên tụi em phải tự xoay sở, vừa giúp đỡ mọi người có nước rửa tay kháng khuẩn đạt chuẩn để sử dụng, phòng tránh dịch bệnh”.

Thư cũng như các bạn của mình đã dành dụm được một khoảng tiền kha khá để chi trả tiền học phí và tiền phòng trọ cho học kỳ sau của mình.



Thay lời kết

Năm 2020 thực sự là một cơn ác mộng, không chỉ đối với người dân Việt Nam mà còn của toàn thể nhân loại. Với sự bùng nổ và tốc độ lây lan chóng mặt của đại dịch Covid, nền kinh tế thế giới rơi vào lao đao, khủng hoảng với nhiều gã “khổng lồ” liên tục tuyên bố phá sản, gục ngã trước con siêu vi nhỏ bé. Trong bối cảnh đó, câu chuyện công ăn việc làm mùa Covid thật sự là một đề tài “nóng hổi” trong những buổi cà phê, trà chiều của người dân đất Sài thành. Người lạc quan nhìn thấy cơ hội trong khó khăn, kẻ bi quan nhìn thấy khó khăn trong cơ hội. Dịch bệnh Covid thật sự tác động không nhỏ đến công việc làm ăn của toàn cầu nói chung và người Việt nói riêng, nhưng tác động tiêu cực hay tích cực thì còn dựa vào góc nhìn và lựa chọn của mỗi người. Có thể xem đại dịch là một cơ hội để tất cả mọi người nhìn nhận lại bản thân và thay đổi để lột xác, trở thành những phiên bản hoàn hảo hơn của chính bản thân mình.



_____ 

*Tên nhân vật đã được thay đổi vì vấn đề tế nhị

 

                                                                                                            Tử Tâm 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

THIẾU NHI THÁNH THỂ CỦA TÔI

THIẾU NHI THÁNH THỂ CỦA TÔI “Giúp các em thiếu nhi trở thành những con người kiện toàn và những Ki-tô hữu thánh thiện” – Kim chỉ nam của Thiếu nhi Thánh Thể Việt Nam đã luôn là kim chỉ nam cho hành trình trưởng thành của tôi. Thế là thành Thiếu nhi! Quá trình hơn 21 năm đằng đẵng khoác áo Thiếu nhi của tôi bắt đầu bằng buổi sáng Chúa nhật đẹp trời năm một ngàn chín trăm hồi đó! Tôi với hai mắt tèm nhèm buồn ngủ “bị” má dắt ra nhà thờ Hòa Hưng để đi học Thiếu nhi. Hồi đầu chị trưởng hổng có chịu nhận vì tôi vào giữa năm học, nhưng “khốn thay” thân tôi, má tôi dắt tôi lên trình bày hoàn cảnh với Cha Tuyên Úy xứ đoàn lúc đó là Cha Gioan Maria Vianney Chu Minh Tân, được ngài đưa đến trước mặt chị trưởng và “hùng hồn” tuyên bố: “CON NHẬN EM NÀY NGAY CHO CHA!!!” – Thế là “bị” làm Thiếu nhi, “bị” bắt đeo cái khăn màu hồng hồng, mở đầu cho mỗi sáng Chúa nhật hàng tuần vật vã dậy sớm lên nhà thờ gặp Chúa. Lớn lên cùng Thiếu nhi Thánh Thể Thành thật mà nói đi học Thiếu nhi cũng không “

CÓ MỘT MÙA TẾT GIỮA LÒNG DỊCH…

Tết trong tâm thức của muôn thế hệ người Việt luôn là dịp sum vầy, nồng ấm tình cảm gia đình, là dịp hội ngộ và thăm hỏi đầu năm, để cùng hy vọng cho một năm mới thành công, thịnh vượng. Ấy thế mà tất cả những điều đó bỗng chốc trở nên đảo lộn chỉ vì dịch bệnh Covid-19. Chưa bao giờ Việt Nam lại đón một năm mới trong khung cảnh ảm đạm đến như thế. Tết xa quê Tầm 29, 30 Tết mọi năm, đường phố Sài Gòn đã dần trở nên thưa thớt, tiễn dòng người xa xứ vội vàng trở về quê hương. Thế nhưng năm nay, nhiều người lựa chọn ở lại đất Sài thành ăn tết mà không về quê, và lý do của họ đều ít nhiều liên quan đến Covid-19. Tại một căn nhà nhỏ trong khu lao động nghèo quận 6, c hị Thúy, 29 tuổi, chia sẻ vội vàng trong lúc đang đưa võng ru đứa con 14 tháng tuổi của cô. “Năm nay làm ăn thất bát quá nên chẳng dám về quê ăn Tết, lương tháng 13 coi như là con số 0. Năm này vẫn còn việc để làm đã là may mắn hơn nhiều người rồi. Vợ chồng tôi đành để dành tiền mua sữa, mua tã cho con cầm chừng. Còn ở quê